Khi bom rượu vang 'lấn át' trống Đọi Tam

Nghề làm trống Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam) đã được lưu truyền hơn nghìn năm nay. Hiện nay, làng trống vẫn còn đó, nhưng bom rượu vang dần lấn át vị trí độc tôn…

“Phải biết nắm bắt thời cuộc”

Mới đến đầu làng, mặc dù vào tầm 1 giờ trưa nhưng chỗ nào cũng nghe thấy tiếng cưa, tiếng đục đục, đẽo đẽo.

Ảnh 1: Chiếc trống cao 1m8 của nghệ nhân Lê Ngọc Hùng

Tới 4 xưởng sản xuất trống lớn ở Đọi Tam, đều thấy các mặt hàng ở đây khá đa dạng: trống lễ hội, bồn tắm tới bom đựng rượu vang.

Hỏi ra mới biết: “Làng đã “chuyển đổi cơ cấu” từ một nghề làm trống sang đa dạng các mặt hàng, miễn sao kiếm ra tiền” - bác Mạnh một lao động làm nghề trong làng cho biết.

Trong đó, bom rượu vang có lẽ là mặt hàng mang lại nhiều thu nhập lớn nhất, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán.

Ảnh 2: Bom rượu vang do làng Đọi Tam sản xuất
 
Theo sự chỉ dẫn của người dân trong làng, chúng tôi đến được nhà anh Phạm Chí Tân, xưởng chuyên sản xuất bom rượu vang lớn nhất làng Đọi Tam.

Ảnh 3: Anh Tân bận rộn với những đơn đặt hàng cho ngày Tết: “Những ngày giáp Tết không có cả thời gian ăn cơm, sau khi làm ra sản phẩm phải đi giao tận nơi cho các siêu thị, cửa hàng”.
 
Bom rượu vang làng Đọi Tam có hình dáng như một chiếc trống, đường kính mặt trên khoảng 20cm, chiều dài 30cm.

Vỏ bom được làm từ nhiều loại gỗ. Theo chia sẻ của anh Tân, trước đây thùng rượu được làm bằng gỗ mít như trống. Nhưng dần dần cây mít khan hiếm, xưởng của anh bắt đầu nhập về các loại gỗ khác nhau miễn là có thể cưa, xẻ và ghép thành hình bom đựng rượu vang.

Ảnh 4: Xưởng sản xuất bom rượu nhà anh Tân

Để làm được một chiếc trống rượu vang phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên, phải cưa gỗ để đóng thùng, bào nhẵn, gắn keo các khớp nối gỗ và đóng nắp cho bom rượu. Cuối cùng, chúng sẽ được phun một lớp sơn phun bóng và mang đi phơi.

Ảnh 5: Gắn keo cho các mối ghép

Một bom rượu còn có các “bộ phận đính kèm” như xe pháo kéo bom rượu, xe ngựa kéo trống rượu, hay đơn giản là chân đế cho bom rượu.

Giá của mỗi loại cũng khác nhau, mặt hàng có giá đắt nhất là bom rượu vang hai ngựa kéo, giá bán buôn nhập cho các siêu thị là 850 nghìn đồng cho một sản phẩm, loại ngựa đơn kéo giá 550 nghìn đồng, loại xe pháo giá 350 nghìn đồng và rẻ nhất là bom rượu có chân đế giá 200 nghìn đồng.

Ảnh 6: Làm những bộ phận “đính kèm” cho bom rượu

Ảnh 7: Phun sơn cho trống đựng rượu vang

Ảnh 8: Một bom rượu hoàn chỉnh được đem đi phơi và đóng hộp
 
Theo chia sẻ của anh Tân, trước đây gia đình anh có truyền thống làm nghề trống như bao người khác trong làng.

Xuất phát từ việc người Việt ngày càng ưa chuộng dùng hàng ngoại, đặc biệt là dịp lễ tết rất hay sử dụng rượu vang ngoại. Nhìn thấy hình dáng của những thùng rượu vang Bordeaux giống chiếc trống của làng mình, anh đã nhanh nhạy “biến hóa” những chiếc trống thành hình những bom đựng rượu vang.

Cho đến hiện tại, xưởng nhà anh Tân đã sản xuất bom rượu được 6 năm, nhiều người đã biết đến mặt hàng bom rượu vang của làng anh, và đây cũng được xem như một sản phẩm bán chạy của làng.

Ảnh 9: Nhiều khách hàng đặt cả những bom rượu lớn có đường kính 80cm

Anh Tân nói thêm: “Phải biết nắm bắt thời cuộc, nếu mình cứ theo nghề trống mãi, không biết đổi mới thì không làm giàu được”.

Ảnh 10: “Làm quanh năm, hưởng một vụ. Cứ làm để đấy, dịp Tết cũng không còn hàng mà bán” - Một người làm trong xưởng sản xuất bom rượu vang nói.
 
Quyết giữ nghìn năm truyền thống

Nghề có hơn 1000 năm nay rồi, đời nối đời. Nhiều nơi trên đất nước Việt Nam có nghề làm trống nhưng không ở đâu có tới hơn 1000 năm như ở Đọi Tam. Nghề từ đời cụ tổ Nguyễn Đức Năng dưới đời vua Lê Hoàn” - Nghệ nhân Phạm Chí Khanh say sưa kể câu chuyện về truyền thống nghề trống Đọi Tam.

Tiếng thơm trống Đọi Tam có từ thời xa xưa, trống của làng nổi tiếng là có âm thanh phát ra hay. Tang trống được làm bằng gỗ mít vừa chắc và cũng chỉ có thứ gỗ này mới có thể phát ra thứ âm thanh kêu “cắc” độc nhất mà không thứ gỗ nào có được.

Các thớ gỗ mít được cưa thành đường cong cẩn thận và bọc bằng thân cây song dẻo dai, chắc nịch. Mặt trống được căng bằng da trâu lọc tỉ mỉ, căng đúng độ, âm thanh khi đánh lên mới vang xa mà ấm được.

Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng cho biết: “Hiện nay cả làng có hơn 600 lao động và có khoảng 100 hộ làm nghề, trong đó có khoảng 20 xưởng sản xuất. Các mặt hàng sản xuất ngoài trống ra hết sức đa dạng”.

Ảnh 11: Ngoài trống, làng Đọi Tam còn sản xuất bồn tắm gỗ và nhiều mặt hàng khác
 
Làng Đọi Tam giờ đây có thêm nhiều nghề mới, sản xuất bom rượu, làm bồn tắm gỗ,… nhưng cái cốt vẫn đi lên từ nghề làm trống.

Không có kỹ thuật làm trống, không có cái nền tảng đó, ai mà nghĩ ra được để mà làm bom rượu” - nghệ nhân Lê Ngọc Hùng phân trần.

Cũng “nắm bắt thời cuộc”, nhưng ông Hùng vẫn quyết tâm lưu giữ bằng được cái nghề truyền thống mà cha ông đã để lại.

Trong khi đó, những chiếc trống to nhất ở Việt Nam hiện tại không thiếu sự góp sức của nghệ nhân Phạm Chí Khanh.


Ảnh 12: Cho đến nay, nghệ nhân Khanh vẫn duy nhất giữ một nghề làm trống và nó vẫn tiếp tục được truyền nối tới đời con, cháu.
 
Ông cha đã để lại cho mình cái nghề, lưu giữ cả nghìn năm không phải dễ, không có lý gì mà giờ đây lại phải “bán” nghề” - ông Khanh nói.

Source: Vietnamnet.vn

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!